Tối ngày 8/11/1895, sau khi rời phòng thí nghiệm một quãng, sực nhớ quên
chưa ngắt cầu dao điện cao thế dẫn vào ống tia catod, Wilhelm Conrad Röntgen
(Rơnghen) quay lại phòng và phát hiện ra một mảnh bari platinocyanide (BaPt(CN)4)
vẫn phát sáng mặc dù ống catod đã được bọc bằng bìa cứng và nằm ở tận đầu kia
của căn phòng. Ông đã đưa ra giả thuyết rằng phải có một loại bức xạ nào đó
đang chiếu ngang qua phòng. Khi đó Röntgen đã không hiểu được hoàn toàn phát
hiện của mình, vì vậy ông đặt tên cho loại tia đó là tia X - một ẩn số chưa
được giải đáp của tự nhiên.
Cũng vì thế mà đến khuya ngày hôm đó ông
vẫn chưa về nhà. Vợ ông ở nhà lo lắng không biết chồng bị sao, đã lên phòng thí
nghiệm tìm ông và tình cờ đưa bàn tay qua chùm tia X, trên một tấm phim đặc
biệt được bao phủ chất barium platinocyanide xuất hiện hình ảnh về xương bàn
tay và chiếc nhẫn cưới của bà mà về sau được biết đến là bức chụp X – quang đầu
tiên.
Với đầu óc nhạy bén, đầy kinh nghiệm của
một nhà vật lý học, việc này đã lôi cuốn ông và 49 ngày sau ông liên tục ở lỳ
trong phòng thí nghiệm, cơm nước do bà vợ tiếp tế, mỗi ngày ông chỉ ngừng công
việc nghiên cứu ít phút để ăn uống, vệ sinh và chợp mắt nghỉ ngơi vài giờ. Nhờ
thế, ông đã tìm ra tính chất của thứ tia bí mật mà ông tạm đặt tên là tia X và
mang lại cho ông giải Nobel về vật lý đầu tiên vào năm 1901.
Trước thành tựu tuyệt vời đó, chủ tịch
hiệp hội khoa học Đức đã đề nghị gọi tia X là tia Röentgen và gọi năm 1896 là
năm của tia Röentgen. Nhưng suốt đời mình, Röentgen vẫn gọi nó là tia X.
Có một giai thoại: Một nhà vật lý học đồng
hương với Röentgen tên là Lena tìm cách tranh công với ông và đề nghị gọi tên
tia X là tia Röentgen Lena. Ông bình thản trả lời: "Tia X được gọi bằng
tên ai, tôi không hề quan tâm. Tôi chưa bao giờ gọi những tia đó bằng tên mình.
Mong ông hãy trao đổi với những ai gọi như vậy".
Có người của cục hải quân Đức đến gặp
Röentgen và nói sẵn sàng chi một số tiền lớn, cung cấp đủ mọi phương tiện nếu
ông đồng ý đưa tia X vào sử dụng trong tàu ngầm. Người này cũng đề nghị ông
đăng ký phát minh để giữ độc quyền về tia này, không cho nước ngoài sử dụng.
Tuy nhiên, Röentgen kiên quyết
từ chối. Ông muốn tia X được dùng vào việc chăm sóc sức khỏe con người, nó
thuộc về toàn thể nhân loại, còn việc dùng làm phương tiện phục vụ chiến tranh
không bao giờ có trong ý định của ông.
Việc phát minh ra tia X đã mang lại nguồn
thu nhập cho rất nhiều công ty nhưng vợ chồng Röentgen vẫn sống trong thiếu
thốn và thường phải có sự trợ giúp của họ hàng, bè bạn. Điều này là do tính
khẳng khái và ý chí kiên quyết phản đối chiến tranh.của ông.